Tìm hiểu xe hơi thời thủy tổ (p1)
Theo đạo luật này, các xe có động cơ chạy trên công lộ bắt buộc phải có một người chạy đằng trước phất một lá cờ đỏ nếu về ban ngày, hay cầm một ngọn
Khi nói về lịch sử ra đời của xe hơi, người ta thường nhắc đến cột mốc năm 1885 và nhà kỹ sư chế tạo máy người Đức – Carl Benz. Nhưng kì thực, để có được chiếc xe 4 bánh chạy xăng, trước đó là cả một quá trình dài.
Phần 1: Thuở ban đầu
Khởi nguồn từ sự tận dụng năng lượng
Từ khi người thời cổ sống trong các hang hố tới khi các nhà bác học phát minh ra pin nguyên tử, trải qua 500 thế kỷ, con người đã chế ngự dần dần được năng lượng. Nhờ trí tưởng tượng và tài khéo léo, con người đã nghĩ ra được nhiều cách làm giảm bớt các công việc nặng nhọc.
Khởi đầu với các dụng cụ thô sơ, con người tìm cách lấy lửa, gieo hạt giống, nuôi gia súc, chế tạo đồ kim loại, dùng sức lực của trâu bò lừa ngựa, rồi tới sức gió và sức nước, nhưng chỉ vào thời điểm máy hơi nước ra đời, con người mới thực sự có được một công cụ mới.
Nhờ máy hơi nước, những cơ xưởng được dần dần thiết lập và cuộc cách mạng kỹ nghệ thành công. Thêm vào đó, sự tiến bộ của khoa học, nhất là trên phạm vi kỹ thuật về điện lực và xe hơi, đã làm biến đổi bộ mặt của xã hội.
Xe kéo súng của Cugnot
Xe hơi là tích lũy của rất nhiều bằng cấp sáng chế, là tổng hợp của nhiều phát minh khoa học và kỹ thuật. Nó được sinh ra tại châu Âu bởi người Pháp và Đức, được Hàn lâm viện khoa học Paris đặt tên, nhưng nó lại trưởng thành rực rỡ tại Hoa Kỳ.
Nicolas Joseph Cugnot đã chế tạo một chiếc xe kéo súng đại bác
Vào năm 1769, Đại úy Pháo binh – Nicolas Joseph Cugnot đã chế tạo một chiếc xe có tính tự động với ý định dùng vào việc kéo súng đại bác. Chiếc xe này có 3 bánh và một bộ máy hơi nước được đặt sau chiếc bánh xe đơn độc.
Xe hơi của Cugnot chạy được với tốc độ 5 km/h, nhưng cách điều khiển xe rất khó khăn và sau mỗi quãng đường 100 thước xe phải dừng lại để “lấy hơi”. Vào năm 1770, trong lần thử thứ hai, xe đã chạy ra khỏi đường lộ và đâm đổ một bức tường đá.
Xe của Richard Trevithick
Khi nguyên tắc máy hơi nước được áp dụng vào các máy bơm và vài máy móc khác, thì Richard Trevithick Junior, một người Anh, chế tạo được một chiếc xe dùng cả máy móc lẫn hơi nước. Chiếc xe này lúc bấy giờ tuy chạy được nhưng không giống xe hơi ngày nay.
Xe hơi của Trevithick
Vào đêm Giáng sinh 1801, Trevithick mang xe ra thử trước đám đông bạn bè. Công việc thí nghiệm rất tốt đẹp và chiếc xe hơi không có phanh này đã ngừng lại trước một quán ăn sang trọng vì “hết hơi”. Thật là may mắn! Nhưng “tài xế” Trevithick đã quên tắt lửa, nên nồi súp-de (bộ phận của máy hơi nước dùng để đun nước sôi, lấy hơi cho máy chạy) cạn khô, rồi nóng đỏ và chỉ trong chốc lát, chiếc “xe hơi” đã thành đống tro.
Xe ngựa lắp máy hơi nước
Từ năm 1820, nhiều nhà kỹ thuật đã tìm cách lắp động cơ hơi nước vào chiếc xe ngựa cổ điển nhưng chỉ có W. H. James là người thực hiện vào năm 1829 một chiếc xe chuyển vận được.
Xe ngựa lắp máy hơi nước trên đường phố
châu Âu
Giống như những xe ngựa có lắp máy hơi nước đầu tiên, chiếc xe của James rất cồng kềnh, nặng 3 tấn và chở được 15 hành khách. Xe được chia làm 3 phần, tài xế ngồi trên bục cao tại đầu xe, hành khách ngồi tại phần giữa rồi cuối cùng là nồi súp-de và người đốt lò.
James đã dùng nồi súp-de hình trụ, cho áp suất hơi nước đẩy vào các xy-lanh đặt nằm ngang và những xy-lanh này làm quay các bánh xe phía sau. Xe của James đã chạy được vài chuyến nhưng sau mỗi lần sử dụng, xe phải được đem đi sửa chữa.
Walter Hancock và những chuyến xe
Một người Anh khác cũng nghĩ tới xe hơi là Walter Hancock. Vào năm 1836, Hancok đã chế tạo 9 chiếc xe ngựa rồi lắp vào đó máy hơi nước loại nhỏ.
Xe của Hancok cũng có tài xế ngồi phía trước và người đốt lò ngồi tại cuối xe nhưng Hancok đã loại bỏ được chiếc ống khói và các máy móc được làm che bớt, vì thế chiếc xe có hình dáng giống chiếc xe buýt hiện nay.
Với loại “xe hơi” này, Hancok đã thành lập Công ty “London and Paddington Steam Carriage” tại London và công ty này có các chuyến xe chạy theo thời biểu.
“Xe hơi” – xe chạy bằng hơi nước
Sự thành công của Hancok khiến cho nhiều hãng xe được thành lập và đã có nhiều xe chạy trên các con đường khác nhau, nhưng phần lớn các xe cộ thời đó được chế tạo với kiến thức hẹp hòi về máy hơi nước.
Các “xe hơi” thời đó trông giống như các toa tầu của gánh xiếc, chúng chạy ầm ầm chen giữa các xe ngựa. Nhiều xe đã phát nổ vì áp suất hơi nước lên quá cao. Việc lái xe thật là khó khăn, thêm vào đó, khói xe, sự thiếu êm ái và nhiều nguy hiểm khiến cho dân chúng mất dần cảm tình.
Đạo luật cờ đỏ tại Anh
Tại Anh, dân chúng đã đặt chướng ngại vật giữa đường để làm lật xe. Những trở ngại do xe hơi gây ra, thêm vào là ảnh hưởng của các đại điền chủ, của các nhân viên điều khiển nhiều công ty hỏa xa. . . khiến cho Quốc Hội Anh bỏ phiếu vào năm 1865 chấp thuận “đạo luật cờ đỏ”.
Xe hơi và “đạo luật cờ đỏ” tại Anh
Theo đạo luật này, các xe có động cơ chạy trên công lộ bắt buộc phải có một người chạy đằng trước phất một lá cờ đỏ nếu về ban ngày, hay cầm một ngọn đèn đỏ nếu về ban đêm. Vận tốc của xe cũng bị giới hạn là 6 km/h khi chạy qua cánh đồng và 3 km/h nếu chạy qua làng mạc và trong thành phố.
Tới năm 1878 tại nước Anh, lá cờ đỏ được bỏ đi nhưng vẫn còn phải có người chạy đằng trước xe hơi. Sự kiện này đã làm cho ngành xe hơi tại nước Anh không tiến triển được cho tới năm 1895, khi Quốc hội Anh sửa đổi đạo luật cờ đỏ kể trên.
Ở Anh, xe hơi đã bị bắt buộc chấm dứt phát triển như thế khiến cho những cải cách sau này chỉ được thực hiện tại các nước Pháp, Đức và Hoa Kỳ.
Leave a Reply